Di dời Khu công nghiệp "già" nhất nước để bảo vệ môi trường
Ngày 8-7, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cùng các bộ ngành đã làm việc với tỉnh Đồng Nai để nghe tỉnh này trình bày về đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại.
Nhiều đại biểu đã tán thành phải di dời khu công nghiệp (KCN) để bảo vệ sức khỏe và nguồn sống của 20 triệu dân trong khu vực, nhưng cần phải có lộ trình và có chính sách đột phá.
Di dời để bảo vệ 20 triệu dân
Tại buổi làm việc, khi đề cập đến đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, ông Trần Văn Tư, chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai (trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh), cho biết: “Gần 10 năm chúng tôi trăn trở cho dự án này vì chưa có tiền lệ dời cả KCN. Giờ phải dời để bảo vệ môi trường sống cho cả khu vực vì 20 triệu dân Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang dùng nước sông Đồng Nai để sinh hoạt, sản xuất. Chúng tôi không ỷ lại nhưng một mình Đồng Nai làm đề án này cần có sự ủng hộ của các bộ ngành”.
Theo ông Tư, nếu nói khó mà không làm thì cả vùng sẽ còn tiếp tục ô nhiễm do gánh nước thải và ô nhiễm không khí từ KCN Biên Hòa 1.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Đồng Nai lập đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại. Bởi theo báo cáo của Tổng cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường), hiện nay ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai đang ở mức báo động đỏ. Đoạn sông tại khu vực KCN Biên Hòa 1 chất lượng nước qua quan trắc không đảm bảo mục đích cấp nước sinh hoạt mà chỉ phù hợp với mục đích tưới tiêu và bảo tồn động vật thủy sinh.
Còn kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai (đoạn tiếp giáp với KCN Biên Hòa 1) cũng cho thấy chất lượng nước sông Đồng Nai chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Ngoài ra, tổng lượng rác thải công nghiệp phát sinh của các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 khoảng 5.346 tấn/tháng, trong đó rác thải nguy hại 64 tấn/tháng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Bùi Cách Tuyến nói: “Việc di dời và bố trí doanh nghiệp về nơi khác là phù hợp. Bởi khu vực xử lý nước thải, rác thải nguy hại cũng chưa phù hợp với quy định”.
Cần có chính sách đột phá
Ủng hộ việc di dời KCN, ông Bùi Đức Thụ (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội) nói: “Qua khảo sát thực tế, ô nhiễm rất lớn và bốc mùi. Giữa lòng thành phố mà để một KCN cũ kỹ là hệ lụy rất lớn sau này”.
Còn ông Võ Tuấn Nhân, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho biết: “Ô nhiễm thì ai cũng thấy nhưng chúng tôi xuống khảo sát ở doanh nghiệp họ cũng băn khoăn về sản xuất ngưng trệ, công nhân bỏ việc và chuyển nhà máy ra khỏi thành phố. Vì vậy phải có lộ trình để giải quyết”.
Theo ông Nhân, việc di dời KCN để bảo vệ môi trường không phải là chuyện của Đồng Nai nữa mà của đất nước nên Chính phủ phải có chính sách. Nhiều đại diện của bộ ngành đều đồng tình với việc di dời KCN để bảo vệ môi trường.
Tại cuộc làm việc, ông Phan Xuân Dũng, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, giải thích: “Nhiều bộ và các đại biểu Quốc hội đa số đều thấy KCN gây ô nhiễm báo động nên phải dời để bảo vệ người dân khu vực. Cái vướng là chính sách để thực hiện nên phải có một chính sách đột phá áp dụng cho việc di dời KCN. Nếu vì sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm mà vướng luật thì chúng tôi xem xét kiến nghị để sửa cho phù hợp”. Theo ông Dũng, trước các vướng mắc về chính sách dời KCN, đoàn công tác sẽ có báo cáo cụ thể cho Bộ Chính trị và Quốc hội.